5 bệnh phổ biến ở chó cần lưu ý

5 bệnh phổ biến ở chó cần lưu ý

Mỗi một sinh vật trên thế giới đều có những vấn đề riêng về sức khỏe. Những thay đổi của môi trường sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động vào cơ thể của những chú cún. Dưới đây, Lona Pets Dreamland xin gửi đến các bạn thông tin về 5 bệnh phổ biến ở chó cần lưu ý.

Bệnh carré

Carré là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Paramyxoviridae, giống Morbillivirus gây ra. Bệnh gây chết với tỷ lệ cao trên loài ăn thịt, đặc biệt là loài chó. Bệnh này lây lan rất nhanh, chủ yếu ở chó non với các hội chứng sốt, viêm phổi, viêm ruột và xuất hiện các nốt sài ở bẹn, cuối cùng thường có hội chứng thần kinh.

Độ tuổi chó dễ nhiễm bệnh là từ từ 3 – 6 tháng tuổi, bởi sức đề kháng yếu nên tỷ lệ chết cao.

Triệu chứng của bệnh

Bệnh Carré có thời gian ủ bệnh từ 3-8 ngày.

Các triệu chứng dễ gặp là: viêm kết mạc mắt, viêm xoang mũi lúc đầu chảy nhiều dịch lỏng, rồi dần dần đặc lại đục và xanh.

Virus xâm nhập vào cơ thể gây ra những triệu chứng trên đường hô hấp như viêm đường hô hấp từ mũi đến phế nang với biểu hiện hắt hơi, ho, chảy mũi, thở khò khè, âm ran ướt.

Trên hệ tiêu hóa, virus gây xáo trộn tiêu hoá: đi phân lỏng, tanh, có thể lẫn máu (phân có màu cà phê) hoặc niêm mạc ruột bị bong tróc (phân màu nâu, nhầy).

Hệ thần kinh, virus tác động lên não gây viêm não, chó biểu hiện triệu chứng thần kinh như đi siêu vẹo, mất định hướng, co giật, chảy nước bọt, bại liệt, hôn mê rồi chết. Ngoài ra, virus tác động lên da làm cho da vùng bụng xuất hiện mụn mủ (nốt sài).

Chó thường sốt hai thì (2 đợt sốt). Đợt đầu thường xuất hiện trong khoảng ngày thứ 3 – 6 khi chó bị cảm nhiễm, thời gian sốt kéo dài 2 ngày, sau đó giảm sốt. Đợt sốt thứ hai kéo dài cho đến lúc chết, hoặc khi cơ thể suy kiệt.

Ngoài ra, chó có thể có hiện tượng sừng hóa da bàn chân. Sau đó xuất hiện triệu chứng thần kinh: co giật nhóm cơ vùng chân, mặt, ngực và đau cơ, có hiện tượng nhai giả, liệt phần chân sau, mất thăng bằng, co giật toàn thân, hôn mê trong thời gian ngắn rồi chết.

Bệnh ho cũi

Bệnh ho cũi ở chó là một bệnh về đường hô hấp, bệnh viêm phế quản - viêm khí quản truyền nhiễm. Ở Việt Nam, bệnh ho cũi ở chó thường gặp vào các thời điểm giao mùa, đặc biệt là các mùa có gió lạnh, độ ẩm cao. Đây là bệnh tương tự như căn bệnh viêm phổi ở người.

Triệu chứng của bệnh

  • Chó ho liên tục, ho khan là triệu chứng dễ thấy
  • Phát ra tiếng ho hoặc các âm thanh như ngỗng kêu
  • Chảy nước mũi, nước mắt liên tục
  • Ói mửa

Trong trường hợp bệnh nhẹ, chó có thể vẫn ăn uống bình thường, đây là giai đoạn khó phát hiện. Khi tình trạng bệnh nặng thêm, các triệu chứng diễn biến phức tạp như chán ăn, sốt cao, hôn mê, viêm phổi,... nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thú cưng.

Bệnh ho cũi ở chó thường dễ xảy ra ở chó chưa được tiêm phòng, chó lớn tuổi và chó có sức đề kháng yếu, suy giảm hệ miễn dịch.

Bệnh ghẻ Demodex

Bệnh ghẻ Demodex (ghẻ xà mâu) là một bệnh ngoài da phổ biến ở chó. Bệnh này do vi khuẩn Demodex Canis gây ra, đây là một loại ký sinh trùng trên da chó, thường truyền từ chó mẹ sang chó con trong 2 – 3 ngày đầu bú sữa. Mặc dù là bệnh ngoài da nhưng nếu không có cách chữa ghẻ Demodex kịp thời, chó dễ bị nhiễm trùng da, máu dẫn đến tử vong.

Triệu chứng của bệnh

Bệnh ghẻ Demodex ở chó được phân loại thành 2 dạng: khu trú hoặc toàn thân.

  • Ghẻ khu trú: Vùng bị ghẻ Demodex thường rụng lông, da bị đóng vảy và đỏ lên, đôi khi không gây ngứa. Ghẻ Demodex khu trú thường tạo ra những vùng tổn thương nhỏ và riêng biệt (5 – 12 điểm).
  • Ghẻ toàn thân và ở bàn chân thường hình thành vùng tổn thương lớn hơn và dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát. Chó có thể đau đớn dữ dội. Chó có biểu hiện lờ đờ, sốt và nhiễm trùng máu do nhiễm khuẩn thứ phát. Da đỏ, bị viêm có mụn mủ, tăng sắc tố mô là tổn thương kế phát của bệnh ghẻ Demodex toàn thân. Ghẻ Demodex toàn thân có thể xảy ra ở thú non hoặc thú trưởng thành. Thú trưởng thành thường ít bị mắc bệnh hơn nhưng khi mắc bệnh thì việc điều trị rất khó khăn. Để điều trị đạt hiệu quả cần kết hợp điều trị ký sinh trùng, nhiễm khuẩn kế phát và các nguyên nhân tiềm ẩn khác, đồng thời sử dụng các loại thuốc hỗ trợ tăng sức đề kháng.

Bệnh viêm dạ dày và đường ruột

Bệnh phổ biến xảy ra quanh năm thường thấy nhiều vào mùa hè khi thời tiết nóng và mưa ẩm ướt. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm ruột ở chó như giun móc, virus Parvo, vi khuẩn trong thức ăn không sạch sẽ (vi khuẩn E.Coli), ...Ngoài ra cũng có thể do nấm, do ngoại vật không tiêu hoá được hoặc do ăn phải chất độc.

Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ chết lên đến 90 – 100% trong thời gian 2 – 4 ngày mắc bệnh. Một số chó qua khỏi nhưng chuyển thành thể viêm dạ dày ruột mãn tính. Thể bệnh này làm chó bị gầy còm, thiếu máu do kém ăn, lúc thì táo bón, lúc thì tiêu chảy.

Triệu chứng của bệnh

Vài ngày đầu chó ít ăn hoặc bỏ ăn, sốt 39,5 – 40oC, có kèm theo các cơn run rẩy. Sau đó, chó nôn mửa liên tục đồng thời tiêu chảy nặng, phân lúc đầu táo bón sau loãng có màu xám vàng, có lẫn niêm mạc dạ dày và ruột lầy nhầy, có mùi rất tanh.

Do nôn mửa và tiêu chảy liên tục nên cơ thể chó bị mất nước, biểu hiện: mắt trũng, bụng hóp, da nhăn nheo. Khi bị mất nước chó không được điều trị kịp thời sẽ chết sau một vài ngày.

Vào thời kỳ cuối của bệnh, chó thường chảy máu ruột nên phân có màu nâu sẫm. Trước khi chết thân nhiệt chó thường hạ thấp. 

Bệnh Parvo

Bệnh Parvo ở chó là bệnh do Parvovirus gây ra. Đây là căn bệnh “cực kỳ nguy hiểm”, đặc biệt với các chú chó con và chó chưa được tiêm phòng đầy đủ. Bệnh lây lan nhanh chóng và có thể gây chết (Tỷ lệ chết cao từ 80-100%) nếu không điều trị kịp thời. 

Triệu chứng của bệnh 

  • Mệt mỏi
  • Giảm hoặc bỏ ăn
  • Đau bụng và chướng bụng
  • Sốt cao hoặc thân nhiệt thấp
  • Nôn mửa. Trong trường hợp nặng thường bị tiêu chảy ra phân có máu.

Nôn mửa và tiêu chảy kéo dài sẽ gây nên tình trạng mất nước, virus gây tổn thương đến ruột và hệ miễn dịch sẽ gây ra sốc do nhiễm khuẩn. Phần lớn chó chết trong vòng 48-72 giờ từ khi có triệu chứng đầu tiên. 

Trên đây là những triệu chứng của 5 loại bệnh vô cùng nguy hiểm của chó. Bạn cần hết sức lưu ý khi chó có những biểu hiện trên. Hầu hết các bệnh trên có thể ngăn ngừa bằng tiêm phòng. Nhưng đối với những chú chó con chưa tiêm phòng được, bạn cần đặc biệt chú ý quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc. Đối với các chú cún đã tiêm phòng, bạn cũng không nên chủ quan. Nếu có những vấn đề về sức  khỏe, hãy đưa chú cún của mình đến phòng khám thú y để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh bạn nhé!

Mong rằng chú cún cưng của bạn sẽ luôn khỏe mạnh và bình an!

Chia sẻ

Các tin liên quan